“Chả mực Hạ Long” đang bị vi phạm nghiêm trọng về quyền sở hữu trí tuệ

Share Button

Tính đến nay, Quảng Ninh đã có 21/21 sản phẩm được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu. Trong đó, chả mực Hạ Long được đánh giá là sản phẩm thành công nhất khi ngày càng được thị trường trong nước và quốc tế đón nhận. Tuy nhiên, theo phản ánh của Hiệp hội sản xuất và kinh doanh chả mực Hạ Long thì chỉ dẫn địa lý, nhãn hàng hoá “chả mực Hạ Long” đã, đang bị sử dụng trái phép và có nguy cơ ảnh hưởng không nhỏ đến quyền lợi, sự phát triển của Hiệp hội.

images806785_dasavina

Hiện trang web “chamuchalong.org” của Công ty Dasavina vẫn trưng bày hình ảnh Cúp Vàng và thông tin về chả mực Hạ Long để làm truyền thông, quảng bá cho sản phẩm. (Ảnh lấy từ trang web chamuchalong.org vào ngày 15-6-2015)

Tháng 9-2014, Hiệp hội sản xuất và kinh doanh chả mực Hạ Long nhận được thông tin chả mực Hạ Long của Công ty TNHH Đặc sản Việt Nam (Dasavina) đạt danh hiệu Cúp Vàng trong chương trình “Món ngon – Tinh hoa ẩm thực Việt 2014”. Đây là chương trình thuộc Hội Khoa học công nghệ lương thực thực phẩm Việt Nam cấp ngày 12-6-2014. Ngay sau đó, Hiệp hội đã xác nhận thông tin từ các hội viên và khẳng định không có hội viên nào đã được uỷ quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý Hạ Long để đăng ký tham gia chương trình. Trong khi đó, Công ty Dasavina lại không phải là thành viên của Hiệp hội, không được cấp giấy uỷ quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý Hạ Long cho sản phẩm chả mực của Công ty sản xuất. Trước sự việc này, UBND TP Hạ Long, chủ sở hữu chỉ dẫn địa lý “Hạ Long” cho sản phẩm chả mực đã đề nghị Hội Khoa học công nghệ lương thực thực phẩm Việt Nam thu hồi giải thưởng và công khai xin lỗi trên báo chí. Đồng thời yêu cầu Công ty Dasavina gỡ bỏ các thông tin đăng trên website “http://chamuchalong.org” trước ngày 20-10-2014. Ngày 28-10-2014, Ban Chỉ đạo chương trình “Món ngon – Tinh hoa ẩm thực Việt” đã có quyết định về việc thu hồi lại danh hiệu Cúp Vàng và yêu cầu Công ty Dasavina, ngoài việc gỡ bỏ các thông tin trên website thì không được quyền dùng danh hiệu chả mực Hạ Long để làm truyền thông, quảng bá cho sản phẩm. Tuy nhiên, tính đến ngày 15-6-2015, khi chúng tôi truy cập vào website của Công ty Dasavina thì vẫn trưng bày hình ảnh Cúp Vàng, ảnh lễ trao giải và khẳng định chả mực Hạ Long là thương hiệu của Dasavina.

Không chỉ có Dasavina vi phạm Luật Sở hữu trí tuệ, thời gian vừa qua, sản phẩm chả mực Hạ Long tiếp tục bị một đơn vị khác là Công ty TNHH Chế biến thực phẩm Đông Đô (Gia Lâm, Hà Nội) cho lưu hành sản phẩm chả mực với nhãn hàng hoá “chả mực Hạ Long” tại một số siêu thị. Trao đổi với chúng tôi, chị Nguyễn Thị Thuỷ, Chủ tịch Hiệp hội sản xuất và kinh doanh chả mực Hạ Long bức xúc cho biết: So với các sản phẩm cùng loại, chả mực Hạ Long có những yêu cầu khắt khe về nguyên liệu, cũng như quy trình chế biến. Thế nhưng trên sản phẩm chả mực Công ty Đông Đô, Giấy chứng nhận tiêu chuẩn số 8885/2010/YTHH-CNTC cấp ngày 8-6-2011 chỉ có ý nghĩa trong việc công nhận sản phẩm đủ điều kiện VSATTP để lưu thông trên thị trường, không phải là căn cứ để khẳng định tên nhãn hàng hoá “chả mực Hạ Long” được Công ty đăng ký là chủ sở hữu. Điều đáng nói là theo Luật ATTP, giấy chứng nhận chỉ có hiệu lực trong thời gian 3 năm. Như vậy là đến tháng 11-2014, giấy chứng nhận trên cũng đã hết hiệu lực. Đồng nghĩa với việc sản phẩm của Công ty không đủ điều kiện để lưu thông trên thị trường. Giả sử như một lô hàng nào đó của đơn vị này có vấn đề về VSATTP, lúc đó người tiêu dùng sẽ quay lưng lại với chả mực Hạ Long ngay lập tức. Và tổn thất về thương hiệu thì không gì có thể đong đếm được.

Đề cập rõ hơn đến nội dung phản ánh của Hiệp hội sản xuất và kinh doanh chả mực Hạ Long, đồng chí Ngô Quang Thông, Phó Phòng Kinh tế TP Hạ Long cho biết thêm: Ngay sau khi nhận được thông tin từ phía Hiệp hội (tháng 11-2014), thành phố đã yêu cầu phía Công ty Đông Đô phải thay đổi nhãn hàng hoá đang lưu hành với sản phẩm chả mực Hạ Long trong thời gian 14 ngày. Tuy nhiên cho đến tháng 5-2015, phía Công ty Đông Đô vẫn cố tình không thực hiện yêu cầu trên. Hiện thành phố đã giao Đội Quản lý thị trường số 5 tiến hành niêm phong toàn bộ số lô hàng bày bán trên kệ và trong kho của siêu thị Vinmart. Đội QLTT số 5 cũng đã có công văn gửi Viện Khoa học Sở hữu trí tuệ để xin ý kiến giám định về sự việc này. Mặc dù có thể khẳng định đến 99% là phía Công ty Đông Đô đã vi phạm quyền sở hữu, vi phạm nhãn mác nhưng để có thể ra quyết định xử phạt thì thành phố và Đội QLTT vẫn phải đợi xác nhận của Viện Khoa học Sở hữu trí tuệ.

Được biết, theo hợp đồng giữa Đội QLTT số 5 và Viện Khoa học Sở hữu trí tuệ thì trước ngày 10-6 sẽ phải có câu trả lời, tuy nhiên do có sự trục trặc về thiết bị, máy móc nên Viện Khoa học Sở hữu trí tuệ vẫn chưa có kết luận cuối cùng về sự việc này. Thiết nghĩ, trong khi chờ đợi sự xác nhận từ phía Viện Khoa học Sở hữu trí tuệ thì trước mắt, các cơ quan chức năng có thẩm quyền cũng cần có sự vào cuộc và chế tài xử phạt mạnh mẽ hơn nữa để chấm dứt ngay những hoạt động vi phạm quyền sở hữu trí tuệ của Dasavina. Bên cạnh đó, câu chuyện về chả mực Hạ Long cũng là một bài học kinh nghiệm và cảnh báo cho những sản phẩm đã, đang trong quá trình xây dựng thương hiệu của tỉnh. Để tránh sự việc kéo dài như trên, trong trường hợp chủ sở hữu nhận thấy có hành vi vi phạm, có thể nhờ trợ giúp của luật sư để khởi kiện ra toà, đồng thời quyết liệt phối hợp với các cơ quan chức năng để ngăn chặn và xử lý tận gốc hàng vi phạm sở hữu trí tuệ. Khi đó, thương hiệu mới được bảo hộ theo đúng nghĩa và quyền lợi của người sản xuất, người tiêu dùng mới thật sự được bảo đảm.

Theo Hoàng Nga, báo Quảng Ninh